Thời gian đăng ký cũng như thay đổi nguyện vọng khá dài, do đó thí sinh nên chia thời gian đó thành các giai đoạn để thực hiện đăng ký xét tuyển, không nên để dồn về phía cuối giai đoạn dễ bị rối hoặc không đủ thời gian để điều chỉnh.
Thí sinh nên chia 3 giai đoạn để đăng ký xét tuyển Đại học:
Đọc kỹ lại đề án tuyển sinh
Khi Bộ GD&ĐT đưa ra những điều chỉnh mới trong Quy chế tuyển sinh đã tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh, đặc biệt đáng chú ý là những thí sinh trúng tuyển sớm không phải xác định nhập học ngay. Theo đó, trong tất cả các nguyện vọng được xét tuyển sớm đều phải đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.
Quá trình sắp xếp, đăng ký nguyện vọng thí sinh nên đặt nguyện vọng yêu thích lên vị trí ưu tiên. Nếu ngành học bản thân không yêu thích mà đặt lên vị trí ưu tiên khi trúng tuyển sẽ không có cách nào xoay xở, thay đổi.
Đối với những nguyện vọng trúng tuyển sớm chưa yêu thích thí sinh có thể đặt nguyện vọng hai, không nhất thiết phải là nguyện vọng 1.
Nếu thí sinh trúng tuyển sớm bằng phương thức khác như: xét học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực… đúng nguyện vọng mà bản thân yêu thích nhất thì có thể nộp làm nguyện vọng 1.
Nếu xét tuyển nguyện vọng 1 bằng hình thức lấy điểm thi THPT, thí sinh thích trường nào thì đặt nguyện vọng 1 trường đó.
Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý thí sinh đọc kỹ Đề án tuyển sinh của các trường và theo dõi Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Thời gian điều chỉnh nguyện vọng dài do đó thí sinh không việc gì phải vội vàng.
Các em cần lưu ý thêm mỗi trường, ngành học có rất nhiều phương thức tuyển sinh. Thí sinh không bị hạn chế nguyện vọng do vậy thí sinh cần tận dụng tối đa những thuận lợi này.
Lưu ý khi dùng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển
Khi sử dụng phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét nguyện vọng thí sinh có thể căn cứ vào điểm chuẩn, phổ điểm ba năm gần nhất. Đặc biệt chú ý đến phổ điểm năm 2022.
Sau khi nghiên cứu phổ điểm, thí sinh sẽ biết được mức điểm mình đạt được nằm ở các trường bậc trung, bậc cao hay bậc thấp. Khi chia ra được mức độ như vậy thì việc lựa chọn trường, ngành sẽ dễ hơn.
Ưu tiên những nguyện vọng mình yêu thích đặt lên vị trí đầu nhưng cũng cần lưu ý đến năng lực, mức điểm của bản thân đạt được.
Ví dụ: Thí sinh thích ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng điểm chuẩn trường này cao quá so với mức điểm mình đạt được. Lúc này cần xem xét các trường có ngành đó, mức điểm chuẩn thấp hơn để đăng ký. Phải cân nhắc, tỉnh táo để cơ hội trúng tuyển vào ngành mình mong muốn cao.
Các em cũng cần lưu ý đọc kỹ đề án tuyển sinh bởi có nhiều trường đặc thù sẽ có thêm tiêu chí phụ.
Phân chia thời gian từng giai đoạn
Thời gian xét tuyển kéo dài, do đó thí sinh có thể lơ là, chủ quan. Cần chia khoảng thời gian hợp lý, không để bị rối trong quá trình đăng ký.
Theo tôi, thí sinh nên chia thành ba giai đoạn để đăng ký xét tuyển.
Giai đoạn 1: Một tuần đầu tiên mới có điểm nên tham khảo, nghe ngóng tập trung phân tích các ý kiến, yếu tố đặc biệt là tham khảo ý kiến các chuyên gia, thầy cô, bố mẹ, các anh chị đi trước có kinh nghiệm.
Giai đoạn 2: Cần đưa ra các phương hướng lựa chọn, tương đối dựa trên kết quả mình đã phân tích sau đó sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mong muốn của bản thân.
Giai đoạn 3: Chốt các nguyện vọng và đăng ký lên hệ thống. Ở giai đoạn này, cần lưu ý dành thời gian dự phòng 3- 4 ngày đề phòng có biến cố gì mình còn thể sửa.
Không nên vì thời gian dài mà chủ quan để đến giai đoạn cuối mới làm, như vậy thí sinh bị rối các phương án, lỡ có sự cố cũng không có thời gian để điều chỉnh.